Các đội đạt giải cuộc thi hùng biện tiếng Việt cho lưu học sinh Lào tại Việt Nam năm 2019
Phát biểu khai mạc cuộc thi, ông Phạm Quang Hưng, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ GD&ĐT) cho biết, Việt Nam và Lào là hai nước láng giềng, có truyền thống đoàn kết hữu nghị và hợp tác đặc biệt từ lâu đời. Trong lĩnh vực giáo dục, sự hợp tác giúp đỡ lẫn nhau giữa hai nước Việt Nam - Lào cũng đã có bề dày lịch sử. Cùng với việc xây dựng hệ thống giáo dục tại vùng giải phóng Lào, ngay từ năm 1958, Việt Nam đã đón nhận hàng trăm con em của các bộ tộc Lào sang học tập để sau này trở về xây dựng đất nước.
Tính đến thời điểm năm 2019, hiện có trên 15.000 lưu học sinh Lào đang học tập tại gần 180 cơ sở giáo dục tại Việt Nam, ở nhiều bậc học khác nhau từ trung học cho tới tiến sĩ với đủ các ngành nghề và lĩnh vực mà nước bạn Lào đang rất cần đào tạo cho công cuộc đổi mới, phát triển và hiện đại hoá.
Theo ông Hưng, cùng với xu hướng đào tạo của các nước trên thế giới, lấy nền tảng ngôn ngữ là chìa khóa mở cánh cửa đầu tiên trong hành trình học tập đầy gian nan và thử thách, Bộ GD&ĐT Việt Nam đã xác định yếu tố then chốt quyết định chất lượng đào tạo lưu học sinh Lào tại Việt Nam là trình độ tiếng Việt.
Trong nhiều năm nay, tiếng Việt đã được xây dựng như một chương trình hoàn thiện ở giai đoạn tiền đề và tiếp tục được giảng dạy với tính chất chuyên ngành trong suốt những năm tiếp theo cho lưu học sinh Lào nhằm giúp các em vượt qua rào cản ngôn ngữ, tiếp thu tri thức cũng như hòa nhập nhanh chóng với đời sống văn hóa Việt Nam. Việc nâng cao năng lực tiếng luôn được xem là một nhiệm vụ quan trọng và xuyên suốt trong quá trình đào tạo tại tất cả các cơ sở giáo dục trên toàn quốc.
Ông Phạm Quang Hưng, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ GD&ĐT) phát biểu khai mạc cuộc thi
|
Chia sẻ về mục đích, ý nghĩa của cuộc thi, ông Phạm Quang Hưng cho biết, với chủ đề “Việt Nam đất nước tôi yêu", cuộc thi lần này có mục tiêu khuyến khích các lưu học sinh Lào chia sẻ những hiểu biết về đất nước, con người và văn hóa Việt Nam; những kỷ niệm sâu sắc về cuộc sống, học tập và sinh hoạt tại Việt Nam. Các lưu học sinh Lào, với kiến thức, trải nghiệm và tình cảm của mình với Việt Nam sẽ dùng chính tiếng Việt để thể hiện những điều mà các em tâm đắc nhất.
“Cuộc thi không chỉ góp phần giáo dục truyền thống, bồi dưỡng thế hệ trẻ hai nước về mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào mà còn đẩy mạnh phong trào thi đua học tập, rèn luyện tại các cơ sở giáo dục có lưu học sinh Lào tại Việt Nam. Thông qua cuộc thi, các lưu học sinh Lào sẽ không chỉ hứng thú với việc học tiếng Việt mà còn là cơ hội để các bạn thêm hiểu, thêm yêu đất nước, con người và văn hóa Việt Nam” - Ông Hưng nói.
Tham gia vòng thi sơ khảo khu vực phía Bắc có 42 đội thi đến từ các cơ sở giáo dục có truyền thống đào tạo lưu học sinh Lào. Theo đánh giá của Ban Giám khảo, 42 bài thi chuẩn bị một cách công phu, thể hiện nỗ lực rất lớn của các lưu học sinh Lào khi phải diễn đạt ý tưởng, lập luận, thuyết phục bằng ngôn ngữ không phải tiếng mẹ đẻ. Các sinh viên đều đã thể hiện các bài hùng biện một cách tự tin với khả năng diễn đạt lưu loát, biểu cảm và minh họa ấn tượng.
Kết quả cuối cùng, Ban Tổ chức đã trao 02 giải nhất cho đội Học viện Ngoại giao và Trường Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên). 04 giải nhì thuộc về Trường Đại học kỹ thuật công nghiệp (Đại học Thái Nguyên), Trường Đại học giao thông vận tải, Trường Đại học ngoại thương và Trường Đại học công nghiệp Quảng Ninh. 06 giải ba được trao cho các đội Trường Đại học Tây Bắc, Đại học Thủy lợi, Phân hiệu của Đại học Thái Nguyên tại Lào Cai, Học viên Ngân hàng, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Đại học kinh tế và quản trị kinh doanh (Đại học Thái Nguyên).
Các đội đoạt giải nhất, nhì sẽ đại diện khu vực phía Bắc và cùng các đại diện của các trường khu vực miền Trung, miền Nam hội tụ tại Đại học Thái Nguyên vào ngày 8/11 để dự vòng chung kết toàn quốc.